Kêu gọi Quan tâm đến Môi trường Al_Gore

Al Gore nói chuyện về tình trạng nóng lên toàn cầu tại Mountain View, CA, ngày 7 tháng 4 năm 2006

Theo một bài đăng trên tờ The Concord Monitor ngày 27 tháng 2 năm 2007, "Gore là một trong những chính trị gia đầu tiên thấu hiểu mức độ nghiêm trọng của tình trạng thay đổi khí hậu, đã kêu gọi cắt giảm lượng khí thải carbon dioxit cũng như các loại khí đốt gây hiệu ứng nhà kính. Từ thập niên 1970, ông đã tổ chức cuộc điều trần đầu tiên của Quốc hội về chủ đề này ".[28] Suốt trong thời gian làm việc tại Quốc hội, Gore đã đứng ra đồng tổ chức các phiên điều trần về chất thải độc hại trong năm 1978-1979, cũng như về tình trạng nóng ấm toàn cầu trong thập niên 1980. Ngày 14 tháng 5 năm 1989, khi đang là Thượng nghị sĩ, Gore cho đăng một bài xã luận trên tờ Washington Post, ông viết "Nhân loại đột nhiên bước vào một mối tương quan mới với tinh cầu Trái Đất. Những khu rừng trên khắp thế giới đang bị tàn phá; lỗ hổng khổng lồ trên tầng ozone đang ngày càng lan rộng. Các loài sinh vật đang chết dần mòn ở mức độ cao chưa từng thấy."

Vào Ngày Trái Đất năm 1994, Gore khai trương Chương trình GLOBE, một đề án giáo dục và khoa học, theo tạp chí Forbes, "sử dụng những tiện ích Internet vào mục tiêu gia tăng sự quan tâm của sinh viên về môi trường sống của họ".

Cuối thập niên 1990, Gore đẩy mạnh cuộc vận động phê chuẩn Hiệp ước Kyoto nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhưng nỗ lực của ông bị vô hiệu hóa bởi Nghị quyết Byrd-Hagel, được thông qua tại Thượng viện với số phiếu đồng thuận 95-0, thể hiện lập trường của Thượng viện là Hoa Kỳ không nên ký bất cứ hiệp ước nào mà không có sự ràng buộc về mục tiêu và lịch trình (cắt giảm lượng khí thải) đối với các quốc gia tiên tiến cũng như các nước đang phát triển, hoặc nếu hiệp ước "gây ra sự thiệt hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế nước Mỹ". Ngày 12 tháng 11 năm 1998, Gore ký tượng trưng bản hiệp ước, nhưng chính phủ Clinton không bao giờ đệ trình Thượng viện để thông qua.

Al Gore và Nancy Pelosi năm 2007.

Trong những năm gần đây, Gore bận rộn du hành khắp thế giới để tham dự và nói chuyện tại các sự kiện tập chú vào chủ đề tình trạng nóng ấm toàn cầu và biện pháp ngăn chặn. Khán giả thường đứng lên hoan hô sau khi nghe Gore diễn thuyết. Trong phần độc thoại trong phim An Inconvenient Truth (Một sự thật mất lòng), Gore cho biết ông đã trình bày bài nầy ít nhất là một ngàn lần. Ông được trả 120 000 USD khi đến diễn thuyết tại Regina, Saskatchewan, Canada.[29]

Ngày 7 tháng 7 năm 2007, một chuỗi những buổi hòa nhạc từ thiện được tổ chức tại các địa điểm khác nhau trên khắp thế giới, trong nỗ lực đánh thức sự quan tâm của công chúng đối với sự biến đổi khí hậu. Đây là sáng kiến tâm huyết của Gore và Kevin thuộc tổ chức Save Our Selves.

Ngày 21 tháng 7 năm 2007, Gore tuyên bố cộng tác với minh tinh điện ảnh Cameron Diaz tổ chức cuộc thi về khí hậu trên truyền hình Sáu mươi giây để cứu Trái Đất, nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của công chúng trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Bạn có thể xem đoạn phim đoạt giải ở đây.

Gore tham gia diễn xuất trong phim An Inconvenient Truth (Sự thật mất lòng), cuốn phim đoạt giải Oscar năm 2007 cho thể loại phim tài liệu. Khi được trao giải Oscar, đạo diễn Davis Guggenheim yêu cầu Gore bước lên bục nhận giải cùng với đoàn làm phim. Gore phát biểu ngắn gọn, "Chúng ta cần phải giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Đây không phải là vấn đề chính trị mà là vấn đề đạo đức. Mọi thứ đã sẵn sàng để bắt đầu, miễn là chúng ta có đủ quyết tâm".

Al Gore nhận Giải Nobel Hòa bình tại Tòa Thị chính Thành phố Oslo, ngày 10 tháng 12 năm 2007

Phát hành ngày 24 tháng 5 năm 2006, cuốn phim thu thập chứng cứ về tình trạng nóng ấm toàn cầu mà con người là tác nhân, cũng như đưa ra lời cảnh báo về hậu quả của nó, nếu con người không chịu hành động kịp thời để thay đổi các thói quen tác hại đến môi trường sống. Cuối tháng 7, An Inconvenient Truth vượt qua phim Bowling for Columbine của đạo diễn Michael Moore (xoay quanh chủ đề về vụ Thảm sát Trường Trung học Columbine và tình trạng bạo hành có vũ khí) để chiếm vị trí thứ ba trong số những phim tài liệu được xem nhiều nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.[30] Gore cũng cho xuất bản một cuốn sách cùng tên, tác phẩm này trở nên sách bán chạy nhất.

Giải Nobel Hòa bình năm 2007

Ngày 12 tháng 10 năm 2007, cùng với Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (Chủ tịch ủy ban là Rajendra K. PachauriDehli, Ấn Độ), Gore được trao tặng Giải Nobel Hòa bình năm 2007[31] "vì những nỗ lực xây dựng và giúp mọi người nhận thức về tình trạng thay đổi khí hậu mà con người là tác nhân chính, cũng như thiết lập nền tảng cho các biện pháp cần thiết để xử lý vấn nạn này".[32]

Gore đưa ra lời đáp từ sau khi giải Nobel được công bố:

Thật là một vinh dự to lớn khi nhận Giải Nobel Hòa bình. Ý nghĩa của nó còn lớn lao hơn nữa khi tôi được hân hạnh chia sẻ giải thưởng này với Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu – một tổ chức khoa học danh giá của thế giới được cống hiến cho mục tiêu nâng cao sự hiểu biết của công chúng về cuộc khủng hoảng khí hậu – với các thành viên đã tận tụy làm việc không mệt mỏi trong nhiều năm qua. Chúng ta đang đối diện với nguy cơ có thật về tình trạng nguy cấp của tinh cầu này. Cuộc khủng hoảng khí hậu không phải là một vấn đề chính trị, mà là một thách thức đối với đạo đức và lương tri của toàn thể nhân loại. Nó cũng là cơ hội lớn nhất dành cho chúng ta để có thể nâng cao tầm nhận thức của mọi người trên thế giới. Vợ tôi, Tipper, và tôi quyết định dành toàn bộ số tiền thưởng cho Liên minh Bảo vệ Khí hậu (Alliance for Climate Protection), một tổ chức lưỡng đảng và phi lợi nhuận, có mục tiêu thay đổi nhận thức của công chúng tại Hoa Kỳ và trên thế giới về tính cấp bách của các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

Ngày 10 tháng 12 năm 2007, Al Gore và Pachauri nhận Giải Nobel Hòa bình năm 2007 tại Oslo, Na Uy.[33][34][35]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Al_Gore http://www.cbc.ca/thehour/video.php?id=1023 http://www.cbc.ca/thehour/video.php?id=1024 http://blog.algore.com/2007/12/nobel_prize_accepta... http://www.algore.com/ http://www.apple.com/pr/bios/gore.html http://www.boxofficemojo.com/genres/chart/?id=docu... http://www.britannica.com/eb/article-9037426/Al-Go... http://www.charlierose.com/guests/al-gore http://www.cmonitor.com/apps/pbcs.dll/article?AID=... http://archives.cnn.com/2000/ALLPOLITICS/stories/1...